Câu nghi vấn là gì? Câu nghi vấn dùng để làm gì? Đây là một trong những loại câu được sử dụng phổ biến trong hệ thống ngôn ngữ Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về khái niệm câu nghi vấn cũng như đặc điểm, hình thức, chức năng hãy theo dõi bài viết dưới đây qua một vài ví dụ cụ thể nhé!
Câu nghi vấn là gì?
Câu nghi vấn là một câu hỏi để giải đáp về một điều chưa biết, thường sẽ nêu lên quan điểm của mình về sự vật, hiện tượng nhưng dựa trên những suy đoán và không chắc chắn.
Dấu hiệu để nhận biết về câu nghi vấn đó là trong câu thường sẽ có sự xuất hiện của các từ để hỏi và kết thúc câu thường bằng dấu chấm hỏi.
Ví dụ:
– Cô ăn cơm trưa rồi à?
– Hôm nay, bà đã đỡ đau chân chưa?
– Cái hộp quà này đẹp nhỉ?
Các từ nghi vấn sử dụng trong tiếng Việt là gì?
Từ nghi vấn là một phần không thể thiếu trong các câu nghi vấn. Chức năng chính của các từ nghi vấn trong Tiếng Việt là dùng để hỏi với các loại từ bao gồm:
Đại từ nghi vấn: Ai, gì, nào, bao nhiêu, đâu, như thế nào, bao giờ, tại sao, vì sao….
Ví dụ: – Quyển sách này bao nhiêu tiền
– Tại sao giờ bạn mới đến lớp học?
Từ chỉ tình thái: hả, ư, à, á, hử, chứ, chăng…
Ví dụ: – Hôm nay cậu đã đi mua áo mới rồi à?
– Cậu không nghe thấy mình nói gì ư?
Các cặp phụ từ: Đã … chưa, có phải … không, có … không, … xong chưa
Ví dụ: – Con đã nấu cơm chưa?
– Cậu có phải là Thùy Linh lớp A không?
Câu nghi vấn dùng để làm gì? Có chức năng gì?
Mỗi chức năng của câu nghi vấn sẽ đều có những đặc trưng riêng được sử dụng trong từng hoàn cảnh khác nhau.
Chức năng hỏi của câu nghi vấn
Câu nghi vấn là một dạng câu hỏi nên chức năng chính của nó là để hỏi, nó thể hiện thái độ nghi ngờ, không chắc chắn và cần xác định, kiểm tra lại.
Ví dụ đặt câu nghi vấn dùng để hỏi:
– Bạn đã làm bài tập Toán này chưa?
– Cậu đang nói với tôi sự thật đó à?
Chức năng cầu khiến
Ngoài chức năng để hỏi thì câu nghi vấn còn có chức năng cầu khiến hay yêu cầu làm việc nào đó. Với chức năng này rất khó nhận ra vì phải ở trong một hoàn cảnh, tính huống cụ thể nào đó để gọi tên chức năng cho đúng.
Các chức năng khác
– Chức năng khẳng định một sự việc nào đó sẽ xảy ra.
– Chức năng phủ định trong câu nghi vấn dùng để loại bỏ, bác bỏ ý kiến đã được nêu ra. Ví dụ: “Sao cậu lại lo xa thế?”.
– Chức năng bộc lộ cảm xúc: chức năng này thường sử dụng phổ biến trong các sáng tác văn thơ. Qua đó, thể hiện cảm xúc của tác giả, vui buồn, tức giận, ngạc nhiên, tiếc nuối hay xót xa.
Từ nghi vấn trong câu nghi vấn khác gì so với từ phiếm định
Nếu không nắm rõ phần kiến thức này có nhiều bạn sẽ nhầm tưởng rằng khi trong câu có các từ để hỏi như: gì, đâu, ai,…thì đó là câu nghi vấn. Tuy nhiên, tùy theo các tình huống hoàn cảnh cụ thể khác nhau mới có thể phân biệt rõ ràng được. Trong câu đó là chúng thuộc vào nhóm từ nghi vấn hay nhóm từ phiếm định.
Từ trong câu nghi vấn được sử dụng để thể hiện sự chưa chắc chắn và vẫn còn đang nghi ngờ cần lời giải đáp cụ thể chi tiết. Còn đại từ phiếm định được sử dụng để chỉ một nhân vật nào đó không cụ thể trong một không gian không được xác định.
Ví dụ: “Điều gì xảy ra đối với tôi bây giờ đều là không cần thiết” câu này khác với câu: “Mày biết điều gì xảy ra với anh ấy?”
– Trong câu đầu tiên từ “điều gì” là một đại từ phiếm định để chỉ một sự việc chung chung không cụ thể. Nhưng trong câu thứ 2 thì từ “điều gì” được dùng với mục đích để hỏi.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà cách kết hợp từ là từ nghi vấn nhưng cũng có trường hợp các kết hợp trở thành từ phiếm định.
Những từ: nào, ai, đâu,… khi đứng sau một số từ phủ định như: “Không, chẳng” khi kết hợp với chúng tạo thành từ phiếm định.
Một vài trường hợp khác những từ “ai, gì, nào,…” đứng trước trong câu và kết hợp với từ như “không, chẳng” với nhau và tạo thành từ nghi vấn.
Ví dụ: – Không ai trong khu tập thể này muốn chơi với Mai cả?
– Ai không thích chơi với Mai?
Ở đây từ “ai” trong câu đầu tiên là từ phiếm định còn từ “ai” trong câu thứ hai là từ nghi vấn.
Những từ phiếm định có các kết cấu đối ứng dễ nhận biết cụ thể như: “đâu…. đấy”, “ai… nấy”,“gì…. nấy”,…
Ví dụ: Ai nấy đều chăm chỉ luyện thanh vào buổi sáng.
Trong một vài trường hợp không phải là câu nghi vấn: với các từ lặp lại là “nào nào”, “đâu đâu”, hay “gì gì”,…
Ví dụ: Nó cứ nói chuyện đâu đâu ý
Như vậy qua bài viết về câu nghi vấn là gì, tác dụng của câu nghi vấn và một số ví dụ minh họa. Mong rằng với những kiến thức đã được tổng hợp trong bài viết này sẽ giúp bạn củng cố lại và nắm chắc hơn, áp dụng làm bài tập tốt hơn nhé!