Công nghiệp hoá là gì? Những tác động của công nghiệp hóa

Công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì? Mục đích phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa là gì? Công nghiệp hóa hiện đại hóa là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển nền kinh tế ở nước ta. Từ đó, cải biến tình trạng lạc hậu, phát triển và tăng năng suất lao động. Để hiểu rõ hơn thế nào là công nghiệp hóa hiện đại hóa cùng nhau khám phá qua bài viết sau đây nhé!

Công nghiệp hóa là gì?

Công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch cơ bản và toàn diện từ nền kinh tế nông nghiệp sản xuất lao động thủ công sang sang nền kinh tế công nghiệp máy móc nhằm tạo ra năng suất lao động cao. 

Hiểu đơn giản, công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển sang công nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm công nghiệp hóa này luôn mang tính lịch sử ở từng giai đoạn khác nhau, theo từng hình thái kinh tế xã hội khác nhau sẽ có khái niệm công nghiệp hóa khác nhau.

công nghiệp hoá là gì

Công nghiệp hóa là gì? Khái niệm công nghiệp hóa hiện đại hóa

Ví dụ về công nghiệp hóa:

Thế kỷ XVIII quan niệm về công nghiệp hóa ở giai đoạn cách mạng công nghiệp 1.0 khác với giai đoạn 4.0 hiện nay. Trong giai đoạn 1.0 chỉ đơn thuần là sử dụng máy móc thay thế cho lao động thủ công. Còn giai đoạn 4.0 như hiện nay công nghiệp hóa cũng áp dụng máy móc thay thế lao động thủ công nhưng máy móc hiện đại hơn, tự động hóa, tin học hóa….

Công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì?

Như đã trình bày trên về khái niệm công nghiệp hóa vậy còn hiện đại hóa là gì? 

Hiện đại hóa là quá trình ứng dụng các thành tựu trong khoa học hiện đại, những công nghệ tiên tiến áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh và quản lý kinh tế xã hội. 

Do đó, công nghiệp hóa hiện đại hóa có thể hiểu là quá trình chuyển hóa từ căn bản và toàn diện những hoạt động kinh tế, xã hội; từ lao động thủ công là chủ đạo sang hoạt động kinh tế, xã hội với lao động phổ thông và sử dụng các ứng dụng, các thành tựu về công nghệ, phương pháp hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động. 

Ví dụ về công nghiệp hóa hiện đại hóa tại Việt Nam ở 1 số lĩnh vực: 

– Lĩnh vực nông nghiệp: Dựa vào những ứng dụng khoa học kỹ thuật người nông dân có thể tạo ra các giống lúa mới chất lượng cao, năng suất mà người nông dân có nhiều giống lúa mới có chất lượng tốt, năng suất cao từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống…Ngoài ra, nhiều nơi còn ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp: tưới phun mưa, tưới nước kết hợp bón phân qua nước….

– Lĩnh vực chăn nuôi: Xây dựng hệ thống chuồng nuôi khép kín, sử dụng các máng ăn tự động, xử lý chất thải, dùng vòi uống nước… để chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

– Trong y tế: Sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và ứng dụng trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, truyền máu song thai, ghép phổi…giúp bệnh phát hiện bệnh sớm hơn, chi phí điều trị rẻ hơn so với đi nước ngoài.

– Trong cuộc sống: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật với các phát minh giúp cuộc sống nhiều tiện ích hơn: máy giặt, điều hòa, robot hút bụi…

Các loại hình của công nghiệp hóa từ trước đến này

Công nghiệp hóa từ trước đến nay có 3 mô hình tiêu biểu: 

Công nghiệp hóa cổ điển

Đây là loại hình công nghiệp hóa đầu tiên trong lịch sử gắn với giai đoạn 1.0 trong đó tiêu biểu là cuộc cách mạng công nghiệp hóa ở Anh giữa thế kỷ XVIII. Đặc trưng cơ bản của mô hình này bắt đầu với sự phát triển của ngành công nghiệp nhẹ (tiêu biểu là ngành dệt), nông nghiệp, cuối cùng đến ngành công nghiệp nặng (chủ yếu là cơ khí chế tạo máy). Quá trình công nghiệp hóa này  phát triển từ 60 – 80 năm theo tuần tự các ngành trên. Phát triển bắt nguồn từ nước Anh rồi dần lan sang Pháp và đến nước Đức, Nga, Mỹ…

Nguồn vốn để công nghiệp hóa có từ việc bóc lột lao động làm thuê, chèn ép làm phá sản người sản xuất nhỏ, cướp bóc và xâm chiếm thuộc địa. Nên quá trình công nghiệp hóa cổ điển tạo nên những mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt giữa tư bản và người lao động, giữa các nước tư bản và các nước thuộc địa, giữa các nước tư bản với nhau.

công nghiệp hoá là gì

Các loại hình công nghiệp hóa thay đổi từ giai đoạn 1.0 – 4.0

Công nghiệp hóa theo nước Liên Xô (cũ) (Nga)

Mô hình công nghiệp hóa này đầu tiên là ở Liên Xô từ năm 1930 và lan rộng sang các nước Đông Âu năm 1945. Việt Nam cũng đã xây dựng theo mô hình này từ 1960 cho đến 1986 thì xóa bỏ. 

Đặc trưng mô hình này ưu tiên phát triển công nghiệp nặng như: cơ khí chế tạo máy. Giai đoạn đầu khi áp dụng đã đưa Liên Xô lên vị trí đứng đầu về sản lượng công nghiệp ở Châu Âu chỉ với 18 năm để hoàn thành. 

Tuy nhiên, khi khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ dẫn đến hệ thống cơ sở kỹ thuật trước đó bị lạc hậu, không còn thích ứng. Cho đến thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã sụp đổ.

Công nghiệp hóa Nhật Bản và các nước công nghiệp mới (NICs)

Loại hình công nghiệp hóa này xuất phát muộn hơn ở các nước như Nhật Bản, NICs với chiến lược 3 chiến lược chính:

– Tìm hướng đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo, hoàn thiện dần trình độ công nghệ hiện đại từ thấp đến cao. Chiến lược này cần đòi hỏi phải có thời gian dài, khó tránh được các tổn thất lớn.

– Tiếp nhận các chuyển giao công nghệ từ những nước phát triển hơn đòi hỏi cần sử dụng nhiều ngoại tệ và vốn, dễ bị phụ thuộc vào các nước bên ngoài. 

– Xây dựng các chiến lược phát triển công nghệ, khoa học nhiều tầng kết hợp linh hoạt giữa công nghệ truyền thống với hiện đại. Kết hợp vừa tiếp nhận vừa nghiên cứu chế tạo công nghệ từ các nước phát triển hơn. Đây là chiến lược cơ bản nhất giúp các nước áp dụng có thể phát triển lâu dài, vững chắc, đi tắt và bám đuổi.

Như vậy nhờ lợi dụng các lợi thế về công nghệ, khoa học của các nước đi trước đó. Đồng thời phát huy các nguồn lực và lợi thế có sẵn ở trong nước nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài. Sau đó tiến hành công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa kết quả thu được theo mô hình này chỉ sau 20 – 30 năm đã thực hiện thành công. 

Hiện tại, hầu hết trên thế giới các quốc gia đều lựa chọn đi theo con đường công nghiệp hóa kiểu mới. Bởi lý do chính là hình thức này vừa rút ngắn thời gian phát triển lại phù hợp với nền kinh thế mới giúp sự phát triển đất nước bền  vững hơn. 

Tác động của công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì?

Công nghiệp hóa hiện đại hóa có vai trò và mục đích gì? Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đóng góp vai trò vô cùng to lớn cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế mỗi nước. Cụ thể: 

công nghiệp hoá là gì

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước

– Thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng lao động. Từ đó, góp phần giúp phát triển nền kinh tế chung của đất nước, tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết vấn đề thất nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống. 

– Tạo ra các lực lượng sản xuất mới, tạo tiền đề giúp cho việc củng cố cho các mối quan hệ xã hội bình đẳng, tăng cường mối quan hệ giữa các giai cấp bền chặt như: tri thức, công nhân, nông dân. 

– Tạo điều kiện cơ sở vật chất, là tiền đề phát triển nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

– Tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật từ đó phát triển nền kinh tế tự chủ, độc lập vững mạnh hơn. Đồng thời, tạo điều kiện thực hiện tốt nhất để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tăng cường quốc phòng, an ninh để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

– Công nghiệp hoá, hiện đại hóa có vai trò thúc đẩy sự phân công lao động trong xã hội phát triển, thúc đẩy quá trình quy hoạch theo hướng chuyên canh, tập chung phân vùng lãnh thổ hợp làm cho quan hệ kinh tế giữa các vùng, miền có sự thống nhất cao hơn.

Mục tiêu, quan điểm công nghiệp hóa hiện đại hóa thời kỳ đổi mới

Từ nay đến giữa thế kỷ XXI nước ta với mục tiêu, quan điểm trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể như sau:

Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới

Mục tiêu cơ bản là cải biên nước ta trở thành nước công nghiệp có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ để đáp ứng phù hợp với mức sống của nhân dân, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, an ninh, quốc phòng vững chắc, đất nước dân chủ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để làm được điều này, Đảng và Nhà Nước ta đã xác định ở mỗi thời kỳ phải đạt được những mục tiêu cụ thể. Quan trọng nhất là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn liền với sự phát triển tri thức nhằm đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển; tạo nền tảng vững chắc để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước ta

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nêu ra những quan điểm mới chỉ đạo thực hiện quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện mới như sau: 

– Công nghiệp hóa phải gắn với hiện đại hóa, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế tri thức. Trong đó phát triển kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế khi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời khi phát triển cần chú ý giữ gìn và bảo vệ tài nguyên – môi trường. 

– Công nghiệp hóa – hiện đại hóa phải gắn liền với sự phát triển kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần nhằm khai thác mọi nguồn lực trong kinh tế. Hội nhập nền kinh tế thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, khai thác thị trường quốc tế để tiêu thụ sản phẩm trong nước.

– Nguồn nhân lực con người là yếu tố cơ bản để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đòi hỏi nguồn nhân lực phải đủ số lượng, cân đối về trình độ và cơ cấu.

– Khoa học & công nghệ phải là nền tảng, là động lực có vai trò quyết định đến năng suất lao động, sự cạnh tranh, tốc độ phát triển kinh tế. Phải đẩy mạnh chọn lọc nhập, mua sáng chế kết hợp với phát triển công nghệ nội sinh.

mục tiêu của công nghiệp hóa

Mục tiêu và quan điểm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn có định hướng rõ ràng

– Phát triển nhanh & bền vững; tăng trưởng nền kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao phát triển nền văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện chủ trương tiến bộ  rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng và công bằng trong xã hội. 

Vì sao công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức?

Đối với đất nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên thiếu đi cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Khi chuyển sang thời kỳ đổi mới với sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là cách mạng thông tin, tri thức đã cho ra đời các ngành công nghệ cao. Để bước tới công nghiệp hóa hiện đại hóa Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh và chú trọng nền kinh tế tri thức. Vậy trước tiên để trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ tìm hiểu về nền kinh tế tri thức là gì? Vì sao lại coi đó là trọng tâm của sự phát triển?

Nền kinh tế tri thức là gì?

Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó có sự sản sinh, phổ cập, sử dụng tri thức để tạo ra của cải nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế. Nền kinh tế tri thức là kinh tế phát triển dựa vào sức mạnh của tri thức với nguồn lực có chuyên môn cao để tạo ra nhiều của cải vật chất, nâng cao đời sống người dân, dần hướng tới toàn cầu hóa nền kinh tế.

Đặc điểm của nền kinh tế tri thức là các thành tựu mới của khoa học và công nghệ chiếm đa số. Trong đó, công nghệ thông tin đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực từ sản xuất đến cuộc sống. Trong nền kinh tế tri thức các hoạt động liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, sẽ có tác động tích cực hoặc có thể tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. 

Nền kinh tế tri thức dựa vào tri thức và vốn con người đòi hỏi lực lượng lao động phải có trình độ và kỹ năng. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi các công việc cần tay nghề cao, có kỹ năng, kỹ thuật linh hoạt giao tiếp với nhiều chuyên ngành; cần có khả năng thích ứng, thay đổi để tạo ra những vật thể vật chất phục vụ cho quá trình sản xuất, phát triển kinh tế. 

vai trò của nền kinh thế tri thức

Vai trò quan trọng của nền kinh tế tri thức trong quá trinh CNH – HĐH

Lý do công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với kinh tế tri thức

– Tri thức là lực lượng sản xuất trực tiếp: tri thức đóng vai trò quan trọng đòi hỏi lực lượng lao động phải có tay nghề, kỹ thuật, chất xám có thể áp dụng được vào sản xuất, sử dụng công nghệ cao, phát triển nền kinh tế.

– Nền kinh tế tri thức dựa vào khoa học công nghệ: cần có những nghiên cứu, sáng tạo, để tạo ra những công nghệ mới trong khi kinh tế công nghiệp chỉ là tối ưu và hoàn thiện những công nghệ có sẵn.

– Nền kinh tế tri thức có lao động trí tuệ tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao chỉ cần trong thời gian ngắn. 

– Kinh tế tri thức có sự sáng tạo được coi trọng, có năng lực đổi mới, nguồn lực về trí tuệ là yếu tố then chốt giúp nâng cao sự cạnh tranh, phát triển và thịnh vượng của một nước.

– Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu: Các quốc gia hiện nay luôn cố gắng tạo ra các công dân toàn cầu, có thể làm việc ở bất cứ nước nào có cùng trình độ tiến tới toàn cầu hóa. 

Trách nhiệm của người dân trong công cuộc CNH- HĐH đất nước

– Cần phải có nhận thức đúng đắn, tin tưởng vào sự phát triển và tác dụng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

– Luôn tiếp thu, học hỏi, nâng cao trình độ, văn hóa, kỹ thuật tay nghề để ứng dụng, phát triển khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế.

– Tích cực tham gia các chương trình, dự án của địa phương, có lối sống lành mạnh, rèn luyện các kỹ năng, phát triển năng lực bản thân.

– Tu dưỡng đạo đức, tư tưởng chính trị, thực hiện các nghĩa vụ quân sự, tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh đất nước.

– Chủ động tham gia các vấn đề toàn cầu như giữ gìn môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, giữ gìn hòa bình, đẩy lùi chiến tranh…

>>> Bài viết tham khảo: Tổng hợp những trang web thú vị có thể bạn chưa biết

Như vậy với những thông tin về công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì, các mục tiêu và quan điểm của nước ta về công nghiệp hóa là gì và trách nhiệm của một công dân cần có được chia sẻ trong bài viết này. Hy vọng bạn đã hiểu hơn và nắm vững những kiến thức trên từ đó có thêm những định hướng để phát triển bản thân trở thành công dân tốt, có ích góp phần phát triển đất nước.