Phương thức biểu đạt là gì? Có những phương thức biểu đạt nào?

Trong môn học Ngữ Văn ở THCS, chúng ta đã được học về văn bản cùng với các phương thức biểu đạt chính. Các phương thức này rất quan trọng trong cả văn viết lẫn văn nói. Vậy phương thức biểu đạt là gì? Có mấy phương thức biểu đạt? Hãy khám phá cùng thapgiainhiettashin.com.vn qua bài viết dưới đây, bạn nhé!

Phương thức biểu đạt là gì?

Nói một cách dễ hiểu, phương thức biểu đạt là những phương pháp, cách thức mà người viết truyền tải thông điệp tới người đọc. Qua đó thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm một cách đầy đủ, rõ ràng.

phương thức biểu đạt là gì

Phương thức biểu đạt là gì?

>>> Bài viết tham khảo: Nhận thức là gì? Có những loại nhận thức nào? Ví dụ về nhận thức

Các phương thức biểu đạt trong văn bản

Để thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, người ta sử dụng 6 phương thức biểu đạt chính, bao gồm: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và hành chính công vụ. Cụ thể từng phương thức được phân tích dưới đây:

Tự sự

Tự sự là phương thức biểu đạt đầu tiên chúng ta được học trong chương trình ngữ văn. Đây là phương thức mà người viết sử dụng ngôn ngữ để kể lại một câu chuyện nào đó theo theo trình tự thời gian: Có mở đầu, có diễn biến và có kết thúc.

Chủ đề của phương thức tự sự thường hướng tới một vấn đề, một nhân vật hoặc một sự kiện. Không chỉ dừng lại ở việc khắc họa chân dung nhân vật, phương thức tự sự còn mang lại cho người đọc nhiều bài học mới mẻ, có ý nghĩa về cuộc sống.

Một số loại văn bản thường hay sử dụng phương thức biểu đạt chính là tự sự: Truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tiểu thuyết,… Những loại văn bản này có cốt truyện, có tuyến nhân vật chính, phụ rõ ràng.

Miêu tả

Miêu tả là phương thức biểu đạt mà người viết dùng ngòi bút của mình mô tả lại sự vật, sự việc một cách sống động nhằm giúp người đọc hình dung ra được sự vật, sự việc được nhắc tới.

Không chỉ miêu tả sự vật hữu hình, trong một số trường hợp, người viết còn có thể miêu tả chân thực nội tâm nhân vật hay con người. Và đương nhiên, người đọc cũng dễ dàng hình dung ra tâm trạng của nhân vật đó.

phương thức biểu đạt là gì

Phương thức biểu đạt miêu tả

Một số văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chính là miêu tả: Thơ, văn tả người, tả cảnh,…

Nghị luận

Phương thức biểu đạt nghị luận là việc dùng luận điểm, luận cứ và dẫn chứng để người viết thể hiện quan điểm cá nhân và dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm của họ.

Trong đó, luận điểm là nhận định mà người viết đưa ra và bảo vệ. Còn luận cứ và dẫn chứng là dùng để tăng sức thuyết phục cho luận điểm.

Các văn bản nghị luận: Về tư tưởng, tình cảm; về hiện tượng đời sống,… đều sử dụng phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Thuyết minh

Thuyết minh là phương thức mà người nói dùng để cung cấp thông tin, kiến thức hay giới thiệu về một sự vật, sự việc nào đó. Phương thức này giúp người đọc có thể mở rộng thêm được vốn tri thức, sự hiểu biết về nội dung được nói tới.

Nếu như bạn thường xuyên có cơ hội đi du lịch thì chắc hẳn bạn đã khá quen với các bài giới thiệu từ hướng dẫn viên du lịch rồi. Đó chính là một ví dụ tiêu biểu cho phương thức biểu đạt thuyết minh.

phương thức biểu đạt là gì

Người viết giới thiệu về một danh lam, thắng cảnh sử dụng phương thức thuyết minh

Thuyết minh thường được sử dụng trong văn bản: Giới thiệu, thuyết minh về đồ vật, con vật, địa điểm du lịch, di tích lịch sử hay cả một công trình khoa học,…

Biểu cảm

Phương thức biểu cảm là việc sử dụng ngôn ngữ, cách thức để bộc lộ cảm xúc, tâm tư. Thông thường, người viết sử dụng phương thức biểu đạt này nhằm thể hiện thái độ của họ với sự vật, sự việc được nói tới, hay là cảm xúc của người viết về chính bản thân mình.

Biểu cảm thường khá phổ biến trong cuộc sống. Và trong văn bản cũng vậy, nó có thể xuất hiện trong thơ, vè, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhật ký, bút ký…

Hành chính công vụ

Hành chính công vụ là phương thức biểu đạt có tần suất xuất hiện thấp hơn so với các phương thức khác. Phương thức này dùng để giao tiếp giữa Nhà Nước và công dân, giữa cơ quan Nhà Nước với nhau hoặc giữa Nhà Nước này với Nhà Nước khác.

Nghị định, thông tư của Nhà Nước, nghị quyết của Đảng hay hợp đồng mua bán sản phẩm, thuê lao động của các doanh nghiệp,… thường dùng phương thức biểu đạt hành chính công vụ.

Ví dụ về phương thức biểu đạt

Để bạn đọc hình dung rõ hơn, dưới đây là ví dụ cụ thể cho từng phương thức biểu đạt:

Phương thức biểu đạt Mục đích Ví dụ
Tự sự Trình bày diễn biến sự việc theo thời gian Truyện cổ tích “Sọ Dừa”, kể lại câu chuyện vừa diễn ra, kể lại hồi ức,…
Miêu tả Phác họa, tái hiện lại sự vật, hiện tượng Miêu tả khung cảnh ngày hội xuân, miêu tả tâm trạng nhân vật,…
Biểu cảm Bộc lộ cảm xúc, thái độ Bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ,…
Thuyết minh Giới thiệu đặc điểm, tính chất, phương pháp Thuyết minh về con trâu, thuyết minh về chiếc bút bi,…
Nghị luận Bàn luận, thể hiện quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó Nghị luận về quan điểm: “Học thầy không tày học bạn”,…
Hành chính công vụ Trình bày nội dung về trách nhiệm, quyền hạn hoặc thông báo, hướng dẫn thực hiện Nghị định 100 của Chính Phủ về mức phạt giao thông; hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng thuê lao động của doanh nghiệp,…

>>> Bài viết tham khảo: Trợ từ là gì? Trợ từ khác thán từ như thế nào?

Cách xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản

Trong một văn bản, người viết sẽ dùng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau. Trong số đó sẽ có một phương thức biểu đạt chính được dùng nhiều nhất.

Đây cũng là câu hỏi được nhắc tới khá nhiều trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Thực ra, không có quy trình cụ thể nào nào quy định cách xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản. Tuy nhiên, thapgiainhiettashin sẽ đưa ra một số mẹo dưới đây để bạn có thể xác định phương thức biểu đạt dễ dàng hơn:

  1. Nắm rõ đặc điểm và mục đích của từng loại phương thức biểu đạt.
  2. Đọc lướt cả đoạn văn bản để xác định ý chính, mục đích mà người viết muốn nói tới.
  3. Xác định các dấu hiệu để thêm căn cứ nhận biết. Ví dụ: Dùng nhiều tính từ để miêu tả (Miêu tả) hay có các mốc thời gian, diễn biến? (Tự sự). Tác giả có đưa ra nhận định cá nhân gì hay không? (Nghị luận),…
Làng - Kim Lân

Cách xác định phương thức biểu đạt đoạn trích trong “Làng” – Kim Lân

Ví dụ:

“Nước mắt ông lão giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây…

Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong đầu ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ thì ông chịu mất hết à? Không thể được! làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù…”

Trích văn bản “Làng” – Kim Lân, ngữ văn 9 –

Có thể thấy, mặc dù cả đoạn văn, tác giả dùng khá nhiều tính từ nhằm miêu tả tâm trạng ông Hai: “rợn cả người”, “đen tối”, “lầm than” nhưng phương thức miêu tả lại không phải là phương thức biểu đạt chính của đoạn văn này.

Cần nhìn tổng quan hơn để nhận thấy đoạn văn sử dụng phương thức tự sự. Tác giả dẫn dắt từ khi ông hai khóc giàn giụa, rồi kể lại diễn biến tâm trạng ông Hai: Từ khi nhớ lại cuộc đời đen tối, tới tình yêu làng quê rồi lại tới quyết định thù làng, vì làng đã theo giặc mất rồi.

Lời kết

Trên đây là các thông tin xoay quanh về phương thức biểu đạt mà thapgiainhiettashin.com.vn đã đề cập tới. Mong rằng các bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích sau khi đọc bài viết. Hãy theo dõi website để cập nhật tin tức thú vị nhé!